bài viết




Những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn - Phần 7

--- Yoshii Michiko ---


III- TẦM CỠ QUỐC TẾ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN - NHỮNG BÀI HÁT CỦA ANH Ở NHẬT BẢN

Những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn đã gặt hái những thành công lớn không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở những nước khác. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy tính phổ biến của những tác phẩm của anh, vượt không gian dù có sự khác nhau về nền văn minh. Trong chương này, chúng ta thử phân tích sự thành công của anh ở bên kia những biên giới của các quốc gia, đặc biệt nhấn mạnh về hiện tượng Nhật Bản ở đó rất đông dân Nhật yêu thích nhạc của anh, và những bài hát của anh đã đạt đến đỉnh cao ở các quốc gia khác.

Chiến tranh đã thu hút nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, nhất là những phóng viên. Những phóng viên chiến trường này thường thường trú tại Sài Gòn, có thể không biết những bài hát bản xứ này, những bài hát mà mọi người đều nghe ở khắp mọi nơi, các hộp đêm ở đường Tự Do cho đến mặt trận ở sâu trong rừng. Chính họ là người sẽ giới thiệu những bài hát của Trịnh Công Sơn cho công chúng trong đất nước của họ: những bài hát phản chiến của anh gắn với phong trào hòa bình ở mỗi nước.

Ở Mỹ, sự thành công của Trịnh Công Sơn là anh được mời sang sống bên ấy như là một người di tản với mức thu nhập bảo đảm được cuộc sống. Ở Pháp, trên tờ Le Monde ngày 17 tháng 5 năm 1969, một bài báo dài nói về “TRỊNH CÔNG SƠN, người ca ngợi chống chiến tranh”, trong bài báo này có lời giới thiệu nghệ sĩ của nhà báo Jean-Claude Pomonti tiếp theo là bốn bài hát phản chiến được dịch sang tiếng Pháp. Bài báo này giới thiệu một khối lượng lớn về anh, trong tờ báo. Ở hai nước này, người ta tiếp tục được nghe hát những bài của anh nhờ vào cộng đồng người Việt Nam sống tại đây sau chiến tranh, nhưng họ vẫn còn ở đó, có nghĩa là những bài hát của anh thực sự được giới thiệu đến đông đảo người nghe thông qua việc chuyển dịch, những bài hát này đã được đón nhận với rất nhiều sự quan tâm, những bài hát đã được hát, được nghe bởi những người nói tiếng Việt Nam, nhưng không bao giờ chúng được hát bởi những ca sĩ bản địa bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp với những thành công lớn. Từ quan điểm này, chỉ có duy nhất một nước trên thế giới là có công chúng thật sự du nhập và đồng hoá những bài hát của anh, đó là Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, những bài hát của Trịnh Công Sơn được giới thiệu trước hết trong những bài hát được chuyển dịch sang tiếng Nhật. Hôm nay, chúng ta không khỏi ngạc nhiên thấy nhiều người Nhật tuổi bốn mươi hoặc năm mươi, không quan tâm một cách tuyệt đối đến Việt Nam, nhưng, họ đã nhận ra ngay giai điệu Ngủ Đi Con khi họ được nghe bản nhạc này. Đó là Một giai điệu đã đánh dấu những buổi tối nghe radio khi họ còn trẻ. Lúc ấy, vào tháng 7 năm 1968 Asai Takashi, một nhà báo của Đài truyền hình Mainichi Broadcasting, từ Sài Gòn trở về Tokyo với 23 bài hát thu băng được tuyển chọn trong buổi hoà nhạc chống chiến tranh tại Sài Gòn. Những bài hát này không gì khác hơn là những bài phản chiến của Trịnh Công Sơn. Takaishi Tomoya, một ca sĩ Nhật Bản đã chọn hai bài trong đó, đó là bài Ngủ Đi ConTôi Sẽ Đi Thăm để soạn lời tiếng Nhật. Đó không phải là một bản dịch chính xác, nhưng như chúng ta có thể thấy dưới đây Ngủ Đi Con vẫn là lời ru và một bài hát chống chiến tranh (đối chiếu với chương II 3, p 57):

Đừng lớn nhé con (bản dịch tiếng Nhật bài Ngủ Đi Con)
Người dịch: Asakawa Shigeru, Takaishi Tomoya

Hãy ngủ đi con
Cây cối làng quê, phố thị tất cả sẽ biến mất
Đừng lớn nhe con
Hãy ngủ vùi trong bình yên
Khói đỏ dâng lên hôm qua như hôm nay
Và điều đó sẽ còn tiếp tục đến ngày mai
Ah, hãy ngủ đi con

Hãy ngủ đi con
Ba con sẽ không bao giờ về
Đừng lớn nhe con
Hãy ngủ vùi trong bình yên
Nếu con lớn lên
Con sẽ biến mất bên kia khói lửa
Ah, hãy ngủ đi con
Ah, hãy ngủ đi con


Tình huống thì hoàn toàn khác giữa bản gốc và bản tiếng Nhật. Trong bản gốc, người mẹ ru đứa con trai hai mươi tuổi chết ở chiến trận, còn ở đây, người mẹ ru một em bé thật sự và đã mất cha. Bài hát được dịch không giàu tính hiện thực và không quá tàn bạo như trong bản gốc với chủ đề là tai họa của đứa con trai. Cuối cùng, đối với bản tiếng Nhật thì vấn đề không phải là màu da vàng, vì mục đích không phải tố cáo một cuộc nội chiến giữa những người Việt Nam. Nhưng bài hát vẫn luôn luôn là phản chiến, và với giai điệu từ bản nhạc gốc của nó, bài hát rất thành công vì là một bài hát ru rất tuyệt vời. Bài hát được xuất bản vào tháng 2 năm 1969 bởi Nihon Victor dưới hình thức 45 tours, và ngay sau đó được biết đến như một thành công to lớn nhờ vào những buổi tối phát thanh của radio. Về phong trào hòa bình, bài hát cũng đã được trình diễn bởi những ca sĩ nổi tiếng khác như nhóm Dyuku Eisesu, Moriyama Ryoko, Carmen Maki hoặc Kato Tokiko. Để tưởng thưởng cho sự thành công này, Trịnh Công Sơn đã nhận được Giải thưởng dĩa nhạc vàng của năm 1969 (1970) ở Nhật Bản.

Nhưng sự thành công của anh ở Nhật Bản không dừng lại ở đó. Vào năm 1970, khi ở Việt Nam còn chiến tranh, Khánh Ly, nữ ca sĩ của Trịnh Công Sơn đến hát tại hội chợ quốc tế Osaka. tại đây, cô đã trình diễn song ngữ các bài hát Diễm Xưa, Ca dao Mẹ (tiếng Nhật: Ca dao Huế), bài hát này luôn mang tính chống chiến tranh. Có thể nói bài Diễm Xưa thật sự là một kiệt tác trong tất cả những bài hát của Trịnh Công Sơn, đó là những lời ru, mang những nét đặc trưng của truyền thống Việt Nam, làm người Nhật rất yêu thích. Phải chăng giai điệu của những bài hát này, rất quen thuộc ở người Nhật và những bài ca dao truyền thống thì đã thấm sâu nơi họ, và phải chăng có một nét tương đồng nào đó giữa hai nền âm nhạc truyền thống này?

Ngược lại, đối với những thính giả người Mỹ hoặc người Pháp, những bài hát ru này quá xa lạ với giai điệu quen thuộc của họ, cho nên những bài hát này đã không có một sự thành công lớn như ở Nhật, trừ những người biết tiếng Việt và những người Việt Nam di tản. Nhìn con số người Việt Nam rất giới hạn ở Nhật, thì ta biết chắc rằng sự thành công chỉ có thể đến từ số đông công chúng người Nhật.

Tiếp theo những sự thành công này là vào năm 1972, Mainichi Broadcasting đã yêu cầu Trịnh Công Sơn sáng tác một bài hát đặc biệt dành tặng cho Hiroshima và Nagasaki. Và tác giả đã đáp lời bằng bài hát sau:

Như Tiếng Thở Dài

--- Trịnh Công Sơn ---

Người đi quanh thân thế của người
Một trăm năm như tiếng thở dài
Ngày vinh quang hay tháng ngậm ngùi
Ngày âu lo theo tóc mọc dài
Làm con sông cho tháng ngày trôi
Chờ cây non trên núi đầu thai
Trong từng giọng nói
Có màu tàn phai
Người đêm đêm mơ thấy mặt trời
Mọc trong tim trong mắt loài người
Người đêm đêm mơ thấy nụ cười
Nở trên môi trên khắp cuộc đời
Lúc tỉnh ra thấy lại
Xác người bên xác người
Người vinh quang mơ ước địa đàng
Người gian nan mơ ước bình thường
Làm sao đến gần
Hy vọng cuộc vui chung
Đường hôm qua tôi thấy được rồi
Đường hôm nay tôi đã cùng ngồi
Có gì vui
Đường tương lai xin nhắc từ đầu
cùng anh em trên khắp địa cầu
Hãy gần nhau
Và riêng tôi xin có một ngày
Ngồi thong dong trao đến mọi loài
Chút tình tôi

So với những bài hát chống chiến tranh của anh ở Việt Nam, từ ngữ của bài hát này có vẻ quá trừu tượng. Không có một miêu tả nào thực tế, mà ngược lại, tác phẩm này đầy những hình ảnh tượng trưng của thời gian hoặc của những tình cảm đa dạng. Điều này là không thể tránh khỏi, vì không những Trịnh Công Sơn chưa từng chứng kiến cảnh thả bom nguyên tử mà cũng chưa bao giờ đến Nhật. Vì lẽ đó, bài hát của anh phải dùng từ trừu tượng như những bài hát chống chiến tranh Việt Nam được hát tại Nhật. Bài hát này, không biết tại sao không được xuất bản ở Nhật. Đáng tiếc thay, vào năm 1972 là năm mà chính phủ miền Nam Việt Nam bắt đầu cấm xuất bản những tác phẩm của anh, bài hát cũng không được xuất bản trong nước. Nhưng sau đó, khi chiến tranh chấm dứt, bài hát được giới thiệu tại Mỹ và Pháp. Đó là một trong những tác phẩm kém may mắn nhất của Trịnh Công Sơn.

Ngoài ra, Trịnh Công Sơn cũng xuất hiện trongh lĩnh vực văn chương của Nhật. Trong thời gian chiến tranh, nhiều nhà báo nhà văn Nhật đã lưu trú tại Sài Gòn và trong số họ, có người lui tới với nghệ sĩ. Đó là trường hợp của nhà văn nổi tiếng Kaiko Ken (1980 – 1989) đã trích dẫn ra một đoạn của bài Tình ca của người mất trí của anh, một trong những tập truyện của anh: (Xem II 3, trang 49)

Tôi có người yêu chết trận Asao
Tôi có người yêu
Chết vào lòng đèo
Chết dưới gầm cầu
Chết ở bất cứ nơi đâu
Chết tối hôm qua
Chết sáng hôm nay
Chết ngày mai

Giọng hát mượt mà, nức nở của một ca sĩ trẻ được đào tạo ở nhạc viện Paris đan xen vào nhành phượng vĩ, lang thang trên mái ngói, hoặc vút cao lên như khói tỏa ra vô số những vòng tròn. Giữa hơi gaz, tiếng inh ỏi của xe Honda và những áng mây ban chiều, bản nhạc buồn, rập rình quấn chặt để rồi mở ra, gieo vào cả phố xá một giọng hát âm mũi, khan khan… Bị xô đẩy và chen lấn bởi đám đông, tôi đi đến đường Lê Lợi, băng qua ngã tư Hàm Nghi, vào đường Tự Do, đi xa hơn nữa và quẹo trái, và tôi vào trong một quán rượu trên quảng trường Hai Bà Trưng (…) (Senmenki no uta: Bài hát của … trong tuyển tập những câu chuyện, Aruku Kage tachi: Những cái bóng biết đi).

Như là một tác phẩm thuần văn chương chứ không phải là một bài báo, có một vài miêu tả không hoàn toàn giống như thực tế: lời của bài hát có sửa đổi đôi chút, cũng như về nghề nghiệp của nữ ca sĩ, nhưng đoạn văn này cho phép chúng ta cảm nhận không khí của Sài Gòn vào năm 1968, ở đó, khắp nơi, người ta nghe giọng hát của Khánh Ly hát những bài hát chống chiến tranh.

Trong một tập tư liệu của Kondo Koichi (1940 – 1986), đặc phái viên tại Sài Gòn vào thời kỳ chiến tranh của tờ Sankei, người ta cũng thấy xuất hiện tên Trịnh Công Sơn:

“(…)
Một bản nhạc buồn chống chiến tranh phát ra từ máy ghi âm dùng cho phóng viên được đặt dưới đất.

“Diễm Xưa”: thiên tài Trịnh Công Sơn đã soạn ra giai điệu của bài hát này, bài hát đã được cả miền Nam Việt Nam yêu thích. Người ta nói rằng nữ ca sĩ Khánh Ly, cũng là một trong những tài năng mà người ta chỉ gặp một lần trong suốt 100 năm, và tôi đã nghe nói rằng, như nhạc sĩ, cô ấy đã hao mòn sức khỏe từ lâu do dùng ma tuý (sic)*. Có lẽ vì thế mà chất giọng của cô, và cách hát làm cho chúng ta cảm thấy mùi mẫn, tuyệt vời, thấm sâu vào tâm hồn người nghe và làm đau xé lòng người. Bài hát này bị cấm dưới chế độ ông Thiệu sau khi phát hành không lâu. Lối ẩn dụ chống chiến tranh ở đây quá đặc biệt. Và trong số họ có một người cấp bậc đại úy dường như anh đã có lý khi chứng tỏ sự hiểu biết của mình về điều đó. Thực tế, một vị đại tá của một trung đoàn có nhiệm vụ bảo vệ Đà lạt đã nói:

“ Nghệ thuật là nghệ thuật. Phản chiến hay không, người ta không cần biết”

Và đã không nghe theo lệnh của tổng hành dinh. Ngược lại, ông đã khích lệ cả những binh lính của ông, hát những kiệt tác của “thiên tài duy nhất mà miền Nam Việt Nam có thể ca ngợi với thế giới”.
(…)

Chúng tôi đã ngồi dưới đất không nói một lời, và nghe bài hát rất nhiều lần (…)”

Shitatakana haisha tachi: Những cái thiêng liêng đã chế ngự được, trong chương 3 Saigon no haisha tachi: Những kẻ bại trận của Sài Gòn)
Ở đây, chúng ta có thể nghi ngờ tính xác thực của những tin đồn về ma túy hoặc về việc giải thích bài Diễm Xưa mà chúng ta đã xếp bài này thuộc loại bài tình ca, nhưng đúng như điều mà nhà báo nước ngoài không biết tiếng Việt (dù ông có vợ là người Việt Nam) đã nghe. Như trong đoạn văn Kaiko Ken đã chứng tỏ cho chúng ta thấy cái trung tâm của thành phố Sài Gòn, ở đây, Kondo Koichi đã chứng tỏ rằng những bài hát của Trịnh Công Sơn, dù là bị cấm đoán nhưng đã có rất nhiều thính giả, ngay cả thính giả ngoài mặt trận hâm mộ.

Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, từ “Việt Nam” dần dần bị lu mờ trên phương tiện thong tin đại chúng của Nhật Bản. Những sinh viên và công dân trước kia tham gia đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam nghe bài Ngủ đi con, dần dần lấy lại cuộc sống của họ, và quên đi xứ sở nghèo nàn này… Tuy nhiên, vào năm 1979, Nippon Columbia công bố 45 lượt trình diễn bài Diễm Xưa bằng song ngữ, được biểu diễn bởi Khánh Ly. Đó là dịp để đài truyền hình NHK dựng tiểu phẩm cho một tác phẩm của ông Kondo Koichi Saigon kara kita tsuma to musume (Vợ và con gái tôi đến Sài Gòn). Vào đầu mỗi buổi phát, người ta nghe bài hát này. Mặc dù đĩa này không đạt mức bán của Ngủ đi con, nhưng việc truyền đi bởi kênh quốc gia làm bài hát này được truyền bá rộng rãi trong nhiều gia đình người Nhật.

Ít lâu sau, 33 lượt được phát ra, với 10 bản nhạc khác của Trịnh Công Sơn được trình diễn bởi Khánh Ly. Trong số 10 bản nhạc song ngữ này có bài Một buổi sáng mùa xuân (xem II – 2, trang 41) được biến đổi thành một bài tình ca trong bản dịch tiếng Nhật của bài hát. Bài hát có vẻ hơi kỳ vì nghệ sĩ hát đồng thời hai thứ tiếng. Vì vậy, đối với những người hiểu được hai thứ tiếng thì bài hát bắt đầu bằng sự buồn chán trongtình yêu và khi kết thúc lại miêu tả xácchết của một em bé. May mắn thay, rất ít người hiểu được hai thứ tiếng! Dù sao đi nữa, ở thời kỳ này, phong trào chống chiến tranh đã lùi xa.

Về Khánh Ly, Khánh Ly đã hát rất đều đặn ở Nhật Bản. Chắc chắn rằng cô cũng hát ở quê nhà, ở Mỹ, hoặc ở châu Âu, nhất là ở Paris, nhưng trong các xứ sở này, những thínhgiả của cô chủ yếu là người Việt Nam ở hải ngoại. Chỉ ở Nhật, cô đã hát trên truyền hình, và phục vụ cho công chúng không biết tiếng Việt. Lần cuối, cô hát ở đây là vào tahn1g 12 năm 1989, cô hát bè đôi với một nữ ca sĩ nổi tiếng của Nhật là Kato Tokiko.

Vào năm 1989, Trịnh Công Sơn suýt làm một chuyến sang Nhật Bản. Nhưng đúng vào cái ngày dự định đi thì anh được mời sang Pháp, và anh đã chọn đất nước này vì ở đó anh quen biết nhiều người hơn. Theo dự định này thì anh dự kiến sẽ tổ chức một buổi hoà nhạc - gặp gỡ nhỏ với các fan người Nhật. Mặt khác, tiếp theo của dự định này là việc ký tặng cho 50 người mến mộ, chủ yếu là các cựu nhà báo Nhật Bản, những người ủnghộ chống chiến tranh ở Việt Nam trước kia. Anh rất lấy làm tiếc là dự định này vẫn còn treo cho đến hôm nay.

Vậy, những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn có một giá trị phổ biến cao, chúng lan tỏa ra tận bên kia các biên giới của Việt Nam. Từ đó, cho thấy sự thành công của anh ở nước ngoài là chắc chắn, nhất là ở Nhật Bản, nhưng tại sao như vậy?

Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải so sánh liên hệ trong nhiều điều kiện. Trước tiên, đó là một xứ sở châu Á ở đó công chúng dễ dàng thích nghi với giai điệu của những bài hát cũng thuộc về châu Á. Tiếp đó, trong số những đất nước ở châu Á, Nhật Bản là nước có tài nguyên về kinh tế dồi dào nhất, có khả năng để tìm hiểu về chiến tranh và bằng cách là đã gởi đến nhiều nhà báo ở Việt Nam. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là một trong những nước có liên quan nhiều nhất đến cuộc chiến tranh này, dù là một cách gián tiếp. Trên thực tế, nhờ vào đường vòng của căn cứ quân sự Nhật Okinawa, là nơi xuất phát của những máy bay ném bom B52 đến miền Bắc Việt Nam, và đó cũng là một trong những đất nước của khu vực có phong trào hòa bình phát triển nhất. Do đó, tất cả những điều kiện này tập hợp lại làm Nhật Bản sẵn sàng đón nhận những bài hát của Trịnh Công Sơn, khi có một nhà báo mang về đây những bài hát ấy. Còn giải thích về sự thành công của anh vẫn còn tiếp tục sau khi kết thúc chiến tranh, quả thật là quá khó khăn khi đưa ra những lý lẽ chính xác về điều này. Phải chăng, đơn giản là một vận may? Và chính tôi cũng dõi theo đất nước này, tại sao tôi đã yêu thích những bài hát này dù không hiểu một từ nào trong bài hát? Có phải chỉ là một ngẫu nhiên trong lịch sử? Đó vẫn còn là điều bí ẩn… hoặc thuộc về phương diện sở thích. Mà, “Những sở thích thì không thể bàn cãi”




nguồn: Thái Hòa - Thư viện Trịnh Công Sơn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho