bài viết




Những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn - Phần 1

--- Yoshii Michiko ---


Lời nói đầu

Lúc ấy, khi tôi học năm thứ hai tiếng Việt, đó là lần đầu tiên khi tôi có dịp nghe những bài hát chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn. Lẫn với những bản nhạc tình của ông trong một băng cassette, những bài hát này phát triển thành một chủ đề. Có những bài âm điệu buồn man mác làm tôi liên tưởng một tình yêu bất hạnh hoặc một cuộc chia ly, những bài hát khác vui hơn, dường như là ca ngợi tình yêu. Sự du dương và âm vang của lời ca làm tôi xúc động mạnh, tôi bắt đầu tự hát những bài này. Rồi một ngày đẹp trời, tôi chợt khám phá ra rằng những câu mà tôi hát, tôi đã không hiểu hết ý nghĩa diễn tả của nó, đó không phải là một sự chia tay đau xé của những người yêu nhau mà là của những tử thi trôi trên sông. Đó là điều bất ngờ, một cú sốc thật sự.

Đối diện với thế giới của những bài hát chống chiến tranh quá mới mẻ, tôi tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi? Vậy những bản nhạc này là gì? Do ai sáng tác? Và trong trường hợp nào? Nhất là, tôi không hiểu làm như thế nào những bài hát xa xưa cách đây 20 năm vẫn còn sống mãi trong lòng những thanh niên Việt Nam tại Pháp. Thế là tôi tự nghiên cứu để có câu trả lời cho những câu hỏi này. Trong thời gian đó, sự tiến bộ về trình độ ngôn ngữ đã cho phép tôi hiểu rõ hơn nội dung của những bài hát, và càng ngày tôi càng yêu thích những bài hát này. Việc nghiên cứu ở đất nước tôi đã giúp tôi khám phá rằng thế hệ cha ông của tôi cũng đã từng nghe và từng hát những bản nhạc này với bản dịch bằng tiếng Nhật, lúc ấy tôi còn là một cô bé học trò, với tôi dường như chiến tranh đã đi qua một hành tinh khác. Rồi cuối cùng, những chuyến du lịch đến Việt Nam của tôi đã cho tôi những kinh nghiệm đầy thú vị.

Bản luận văn này vừa là một bản báo cáo của những nghiên cứu cá nhân, không phải nhằm mục đích kinh viện, vừa là sự giới thiệu những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn, để minh chứng đó là những kiệt tác. Với mục đích này, điều tốt nhất là nghe trực tiếp những bản nhạc. ”Trăm lần đọc không bằng một lần nghe” (trong phương ngôn Trung Quốc có câu: ”Một nghe không bằng trăm thấy”). Một bài hát, trước hết là để hát và để nghe chứ không phải để phân tích. Mục đích của tôi mong rằng bản luận văn này sẽ là một người bạn đồng hành tốt khi chúng ta nghe nhạc, và để đánh giá tốt hơn những tác phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn.

I - GIỚI THIỆU:

I – 1. Trịnh Công Sơn: Vị trí của anh trong âm nhạc Việt Nam


Trước khi nói về những bản nhạc của Trịnh Công Sơn, trong nghĩa hẹp, cần phải đặt chúng trong nền âm nhạc Việt Nam. Chúng ta sẽ thử xếp loại chính xác những bài hát này để biết chúng giữ vai trò như thế nào?

Theo ông Trần Văn Khê, âm nhạc Việt Nam được phân thành 4 loại (xem Thư mục III, No 15):

- Nhạc của dân tộc thiểu số
- Nhạc nhân dân hay dân gian của đại đa số dân tộc Việt Nam
- Nhạc cung đình và nhạc bác học
- Nhạc mới kiểu phương Tây

Những bài hát của Trịnh Công Sơn được xếp vào loại thứ 4 đó là nhạc mới kiểu phương Tây hay Nhạc mới.

Kể từ đầu thế kỷ này, dưới ảnh hưởng của thực dân Pháp, loại nhạc này bắt đầu phát triển dần dần cho đến những năm 1980. Những bài hát Việt Nam kiểu Pháp được phổ biến trong giới trẻ. Bắt đầu là sự cải biên sang tiếng Việt từ các bản nhạc Pháp, sau đó đến các bản nhạc Việt, nhưng luôn luôn theo kiểu phương Đông. Ta có thể quan sát hai dòng nhạc chính của thể loại nhạc thời kỳ này, thật sự ban đầu nó là nhạc mới: những bản tình ca tạo thành một thể loại được gọi là nhạc tiền chiến và những bản nhạc đấu tranh cho nền độc lập của đất nước.

Trịnh Công Sơn bắt đầu công việc soạn nhạc của mình bằng những bài tình ca, từ cuối năm 1950, và được xếp vào dòng nhạc tiền chiến. Như tên gọi, loại nhạc này biểu hiện ở những bài nhạc tình trước 1945 đặc trưng bởi những khía cạnh rất lãng mạn của nó. Ở đây, chúng ta có thể kể đến hai tác giả: Đặng Thế Sơn và Văn Cao. Trịnh Công Sơn rất tôn sung Văn Cao và xem ông như người thầy lớn của mình: Trịnh Công Sơn đã mời Văn Cao đến dự buổi hòa nhạc của anh được tổ chức tại Saigon vào năm 1988 và với tư cách là họa sĩ anh đã vẽ tặng Văn Cao chân dung của ông.

Mặt khác, những bài hát đấu tranh, yêu nước đã gây cảm hứng cho các chiến sĩ đấu tranh chống thực dân Pháp, trong chiến tranh Đông Dương lần nhất, kế đến là cuộc đấu tranh thống nhất đất nước trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần hai và cuối cùng là những bài hát cho công cuộc xây dựng CNXH. Dường như dòng nhạc này đã ảnh hưởng đến việc sáng tác những bài hát đấu tranh cho hoà bình và thống nhất của Trịnh Công Sơn, những bài hát này được soạn vào giữa năm 1968, đó cũng là ngày anh dấn thân vào phong trào đấu tranh đòi hòa bình, nhưng có điều, không phải anh đã thừa hưởng trực tiếp dòng nhạc này, những bài hát đấu tranh không phải là những tác phẩm chủ yếu của Trịnh Công Sơn.

Cần nói thêm rằng, trong thể loại nhạc mới này, cũng có những bài hát hợp xướng, giao hưởng, opera kiểu phương Đông, vv…

Vì vậy, những tác phẩm của Trịnh Công Sơn được xếp vào loại nhạc mới, nhưng điều này không có nghĩa là chúng không bị ảnh hưởng của các thể loại khác. Thực tế, ta có thể cảm nhận ở anh những âm hưởng của những bài ca dao, dân ca Việt Nam, thể loại thứ hai trong cách sắp xếp của ông Trần Văn Khê. Chẳng hạn, nó được thể hiện qua các bài Ru con, Ca dao mẹ, Ngủ đi con hoặc Tôi ru em ngủ của Trịnh Công Sơn. Một ảnh hưởng nổi bật trong nhạc của anh, những bài hát như Biết đâu nguồn cội hoặc Ở trọ cho chúng ta cảm thấy âm hưởng dân gian trong giai điệu và nhịp điệu của bài hát.

Từ tất cả những điều đã nêu, chúng ta nhận thấy trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn có hai tuyến chủ đạo:

Dòng tình ca tiền chiến
Dòng nhạc đấu tranh yêu nước

Đó là trào lưu chính của nhạc mới. Dòng tình ca tiền chiến là dòng nhạc chính trong tác phẩm của anh. Thế mà trong dòng nhạc tình này, đến giữa những năm 1960, chúng ta quan sát thấy có sự phát triển đầu tiên của những khuynh hướng: từ những bài ca thuần tuý đến những bài hát phản chiến. Bấy giờ anh bắt đầu thể hiện nỗi khổ đau của những nông dân thay vì thương xót cho một tình yêu bất hạnh. Đến đầu năm 1968, có sự phát triển thứ hai, anh chuyển sang dòng nhạc thứ nhì. Những bài hát của anh không ngoài mục đích duy nhất là đấu tranh cho hòa bình.

Sự phát triển của những khuynh hướng này đến từ đâu? Điều gì đã thôi thúc chàng thanh niên Việt Nam xuất thân từ một gia đình trung lưu này sáng tác những bản nhạc tình đấu tranh cho dân tộc? Tất cả điều này chỉ được giải thích trong bối cảnh của chiến tranh. Nhưng trước khi nói về điều này, chúng ta hãy tìm hiểu về tiểu sử của anh.

I – 2. Trịnh Công Sơn: Cuộc đời và tác phẩm

Mục đích của chúng tôi là không miêu tả chi tiết về cuộc đời của anh, nhưng chúng ta nên biết một cách ngắn gọn về những điều chủ yếu về anh. Vì không có một quyển sách, bài báo nào đăng về tiểu sử của anh, cho nên chúng tôi buộc phải điều tra từ những người quen biết, từ gia đình, bạn bè và chính anh, nhiều nguồn thường thiếu chính xác…

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28-2-1939 tại Buôn Mê Thuột, tỉnh Daklak trong một gia đình gốc Huế, lúc bấy giờ gia đình anh ở tạm vùng cao nguyên. Cha là một doanh nhân xuất than là viên chức ngành tư pháp, và mẹ vừa là một nghệ sĩ vừa là một nhà văn không chuyên nghiệp. Anh lớn lên ở Huế trong một gia đình trung lưu. Anh là người đầu tiên của thành phố Huế có được chiếc máy ghi âm, lúc mà nền công nghệ mới này vừa xuất hiện. Sự kiện này chứng tỏ anh không chỉ xuất than trong một gia đình khá giả mà còn là một đứa con rất được cưng chiều. Anh là anh cả của 8 người em trai và gái, là người thừa kế quan trọng của gia đình.

Khi anh được 8 tuổi, gia đình anh dọn vào Sài Gòn và đó cũng là nơi mà anh sống và học xong trung học ở trường Chasseloup-Laubat. Vậy anh đã được tiếp thụ nền giáo dục của Pháp. Xuất th6an từ thành phần tiểu tư sản, anh là một trong những trí thức thấm nhuần nền văn minh Pháp ngay khi tuổi còn rất trẻ.

Hẳn người ta rất ngạc nhiên khi xem ảnh thời thơ ấu của anh. Chàng trai vui vẻ và khỏe mạnh giành nhiều giải thưởng khi thi đấu thể thao này là ai vậy? Điều gì sau đó đã đưa anh trở thành một nhà thơ – ca sĩ buồn bã và ốm yếu? - Một tai nạn tình cờ đã làm thay đổi tất cả cuộc đời anh. Bấy giờ anh là một học sinh trung học, vào một ngày, khi đang chơi đánh võ judo với người em trai. Anh đã té và bị thương nặng ở ngực, suýt chết và anh phải nằm liệt giường trong hai năm. Do thời kỳ phục hồi rất dài, nên anh cần phải làm cái gì đó để giải trí: anh quyết định chơi đàn guitare.

Vào năm 1957, 18 tuổi, anh mất đi sự cường tráng của cơ thể do nằm liệt giường nhưng bù lại anh đã chơi được đàn guitare. Và khi còn là sinh viên trường Đại học Huế, anh bắt đầu sang tác nhạc.

Nếu như không có tai nạn này, có lẽ anh đã tiếp tục chơi thể thao và hoàn thành quân sự trong quân đội chính phủ và biết đâu sẽ trở thành người hùng của cuộc chiến…

Khổ nỗi, những tác phẩm đầu tiên của anh đều bị mất, bài hát xưa nhất trong những bài hát này của anh mà bây giờ chúng ta còn nghe được đó là bài Ướt Mi, được soạn vào năm 1958 và công bố năm 1959. Có một nữ ca sĩ vừa bị mất mẹ, đau buồn và khóc suốt, đã gợi nguồn cảm hứng cho anh sáng tác bản nhạc này. Tác phẩm này cho thấy một sự thành công to lớn qua số lượng đĩa bán được. Mặt khác, người hát bài hát này đầu tiên chính là cô ca sĩ ấy: Thanh Thúy.

Sau đó là thời kỳ Trịnh Công Sơn sáng tác rất nhiều bản nhạc tình và đã trở thành những kiệt tác của anh. Việc sáng tác này kéo dài cho đến giữa những năm 1960, lúc ấy, chiến tranh bắt đầu ác liệt. Những bài hát của anh miêu tả về cuộc sống gắn liền với chiến tranh.

Dường như những điều kiện bên ngoài đã khích lệ tác giả trong việc sáng tác ở thời kỳ cuối những năm 50 đến giữa những năm 60. Trước tiên, là sự gặp gỡ với ca sĩ thể hiện tuyệt vời những tác phẩm của anh. Đó là nữ ca sĩ Khánh Ly, khi cô còn chưa nổi tiếng và đang biểu diễn tại Đà Lạt, sau đó cô đã trở thành “Ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn”

Tất cả những bài hát của thời kỳ này được anh sáng tác phù hợp với chất giọng của Khánh Ly. Nói cách khác, Trịnh Công Sơn đã viết những bài hát dành riêng cho Khánh Ly.

Để sáng tác một bài hát, yếu tố quan trọng là phải có ca sĩ thể hiện tốt bài hát. Nếu không có hát đạt thì làm gì có một bài hát hay?

Một yếu tố khác đã thúc đẩy anh sáng tác là những điều kiện khó khăn của cuộc sống hàng ngày đặc biệt là trong tình yêu. Anh có khoảng hai mươi năm tuổi trẻ trọn vẹn cùng với chiến tranh. Để không bị động viên, anh đã trốn tránh, anh đã đi từ thành phố này đến thành phố khác. Nhưng bấy giờ, làm gì anh có người yêu như những thanh niên trang lứa? Bởi vì tình yêu không thể có trong cuộc sống trốn chạy, nhưng chính hoàn cảnh này đã gợi cho anh nguồn cảm hứng sáng tác nhiều bài hát thật hay. Cũng có nhiều đề nghị cưới xin nhưng anh đã chọn cuộc sống lẩn tránh của một nghệ sĩ đơn độc.

Tại sao anh đã không chấp nhận vào quân đội để bình thường hoá cuộc sống của anh? Bởi vì trong một vài trường hợp, anh không bao giờ chấp nhận bạo lực và điều này là do chịu nhiều ảnh hưởng của mẹ anh, người vừa là cha của anh sau khi cha anh mất sớm. Trước khi dấn thân vào việc chống chiến tranh, anh đã thấm nhuần tình yêu nhân loại, từ chối mọi hình thức giết chóc. Vì vậy tất cả những bản nhạc của anh đầy ắp những từ như: tình yêu hoặc thương, và không bao giờ có từ giết, như trong một bản nhạc của Phạm Duy có tựa đề Giết người trong mộng. Trong những bài hát của Trịnh Công Sơn, khi miêu tả cái chết thì luôn luôn là các từ xác người, chết hoặc nằm xuống có nghĩa là anh dung những từ thụ động.

Cuối cùng, đến khi không thể trốn tránh lệnh động viên được nữa, anh đã tìm cách làm cho mình không đủ sức khỏe để đi lính: anh nuốt một sản phẩm làm cơ thể mất nước và đã thành công với trọng lượng cơ thể không đầy 30 kg. Thế là anh đã được miễn đi quân dịch! Điều này chứng tỏ sự quyết tâm chống chiến tranh của anh. Và anh đã dấn than vào phong trào chống chiến tranh.

Tuy nhiên, chiến tranh ngày càng ác liệt. Giờ đây, thay cho những cuộc chiến tranh du kích, là chiến tranh vũ trang, chiến đấu trực diện với nhau. Số người chết gia tăng đáng kinh ngạc, binh lính Việt Nam cũng như thường dân. Người ta bắt đầu chịu đựng cảnh tang tóc trong mỗi gia đình, trong từng khu phố. Vào năm 1965, Mỹ đến và cuộc oanh tạc Bắc Việt bắt đầu diễn ra…

Đến năm 1966, vào thời điểm này, tác giả Trịnh Công Sơn đã thay đổi hoàn toàn kiểu sáng tác nhạc. Trong thời kỳ này tuyển tập nhạc đầu tiên của anh ra đời với tựa đề Ca khúc Trịnh Công Sơn Thần thoại quê hương, tình yêu và thân phận, chứa đựng phần lớn những tác phẩm miêu tả nỗi thống khổ của nhân dân trong cuộc sống hang ngày của thời chinh chiến.

Cuối năm 1966 đầu năm 1967, chiến tranh ngày càng khốc liệt, anh bắt đầu hát trong những buổi hòa nhạc chống chiến tranh. Các buổi hòa nhạc này được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau: trong sân trường Đại học Sài Gòn, ở các nhà thờ Công giáo, hoặc trong phòng tập thể thao. Trịnh Công Sơn đến với cây đàn guitare trong tay, cùng với ca sĩ Khánh Ly, cả hai tiếp tục hát hai mươi đến ba mươi bài hát, họ hát mãi trước đám đông hơn hai ngàn sinh viên đầy thiện cảm, đứng bao quanh căn phòng bé tí. Thường thì những bài hát được ứng tác tại chỗ và được hát một lần. Chúng tôi còn giữ cuộn băng quý giá này, cuộn băng thu trực tiếp các buổi hòa nhạc tại trường Đại học Sài Gòn, vào tháng 12 – 1967 (Xem danh mục Cassette p. 123 No 66).

Sau đó Trịnh Công Sơn, xuất bản tuyển tập các bài hát chống chiến tranh hay nhất và là những bài hát nổi tiếng nhất. Có sự kết hợp những bài hát từ những năm có các buổi hoà nhạc này đến những bài hát được viết nhân cái Tết kinh hoàng năm 1968. Đó là tuyển tập tựa đề Ca khúc da vàng với 14 tác phẩm chống chiến tranh. Một số bài hát đặc trưng miêu tả cuộc sống hàng ngày của người dân, của phố thị, của nông dân, của những người mẹ, người vợ, người già và trẻ em; những bài khác diễn tả tiếng kêu than của những người chịu đựng cuộc sống trong thời chiến, có những bài miêu tả những cảnh tượng xác người chết ngổn ngang vào thời điểm Tết Mậu Thân 1968.

Hai tuyển tập tiếp theo cũng là những bài hát chống chiến tranh, nhưng với âm điệu khác. Bài Kinh Việt Nam (1968) và Ta Phải Thấy Mặt Trời (1969) là tập hợp những bài hát đấu tranh quyết liệt. Thay vì đặt mình vào địa vị của người nông dân để nói, bây giờ, Trịnh Công Sơn khích lệ nhân dân kêu gọi hòa bình và thống nhất đất nước. Vì mãi nghe từ cách mạng thường lập đi lập lại trong những bài hát này, người ta tự hỏi đó có phải là những bài hát cách mạng. Cuối cùng, anh dùng từ này với ý nghĩa đơn giản là “sự thay đổi”, nhưng thật sự những tác phẩm này thuộc dòng nhạc những bài hát cách mạng khởi đầu từ những năm 1930 (Xem mục lục, trg 3).

Anh tiếp tục cho ra những tuyển tập nhạc đến năm 19… Có khoảng 11 tuyển tập nhạc trong tổng số. Anh không sáng tác những bài hát phản chiến trong thời kỳ này. Nhiều bài ca ngợi về cuộc sống nói chung, về tình yêu hoặc nỗi nhớ quê hương, xứ sở. Nhưng thực tế, chúng ta nghe gì qua việc chống chiến tranh? Có thể đưa vào những bài hát không miêu tả một cách rõ ràng cuộc chiến tranh với những từ ngữ chính xác như: “tử thi”, “đại bác”, “bom đạn”…? Ám chỉ như vậy có đầy đủ chăng? Dù sao, tuyển tập nhạc thứ 10 đã làm rõ hơn việc chống chiến tranh, Phụ Khúc Da Vàng phủ bản tiếp theo của Ca khúc da vàng được đề cập ở trên. Anh đã viết nhân cuộc tấn công năm 1972 (vào dịp lễ Phục sinh), thường được so sánh với cuộc tấn công tết Mậu Thân 1968. Dù ở trong nước các trận đánh diễn ra, nhưng thời gian này Trịnh Công Sơn vẫn đi đó, đi đây. Có thể, chính anh là một trong những người di tản chiến tranh để tránh bom đạn? Quả vậy, anh đã dâng tặng một trong những bài hát của tuyển tập này cho ”Người mẹ già tôi đã gặp trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế”.

Tuyển tập nhạc thứ 12 với tựa đề Nhân danh Việt Nam đã được thông báo trong những tập khác, sẽ không bao giờ được xuất bản vì chính phủ cấm mọi việc xuất bản của nhạc sĩ kể từ năm 1972.

Tháng 4 – 1975, chiến tranh chấm dứt, anh đang ở Sài Gòn. Vào buổi chiều, đài phát thanh Sài Gòn phát bài Nối vòng tay lớn của anh, một bài hát đấu tranh cho sự thống nhất đất nước, được viết năm 1968.

Vậy là anh đã không ra đi, không đi bởi vì sẽ “không logic nếu như hát cho quê hương thống nhất và ra đi ngay khi nước nhà đã được thống nhất”. Trên điểm này, quả thực, anh càng logic hơn khi anh đã tránh lệnh tập trung. Còn về phần Khánh Ly, chị đã sang Mỹ vào hôm trước ngày Sài Gòn sụp đổ.

Tình hình của Trịnh Công Sơn khá tế nhị trong thời kỳ sau giải phóng. Dưới mắt của những người cầm quyền mới, anh là một nghệ sĩ của chế độ “mục nát” của miền Nam. Anh đã phải viết tự kiểm, nếu phạm lỗi gì đó, anh sẽ bị đi tù…

Anh đã thoát khỏi sự tù tội, tuy nhiên trong nhiều năm, cứ khoảng vài tháng, anh phải lên cao nguyên để lao động (trồng khoai lang hoặc cấy lúa trong những cánh đồng đầy bom đan chưa tháo gỡ).

Tuy nhiên đến năm 1980, anh lại bắt đầu sáng tác. Tác phẩm của anh sau chiến tranh là Em còn nhớ hay em đã quên? (1981), thể hiện nỗi nhớ Sài Gòn dành cho những người ra đi. Cũng như bài hát này, nhiều tác phẩm của anh sau 1975 diễn tả nỗi buồn xa xứ hoặc là phản ánh triết lý sống. Có liên quan đến những bài tình ca nhưng không có bài hát nào liên quan đến chống chiến tranh. Nhữngbài hát viết cho các phim ảnh thì khá nhiều.

Kể từ bài hát cuối viết cho phim vào tháng giêng năm 1988 đến giờ, anh đã không sáng tác trong lĩnh vực này nữa. Chính anh nói rằng anh thích tiếp tục nghề hoạ sĩ hoặc phê bình văn chương. Thỉnh thoảng anh tham gia các cuộc hoà nhạc, tại đây các ca sĩ trình bày những bài hát xưa và nay của anh.

Chuyến du lịch sang Pháp của anh mùa xuân 1989 chắc hẳn là một sự kiện lớn trong cuộc đời của anh. Đó là lần đầu tiên anh rời khỏi khu vực XHCN. Tại Pháp, anh tham dự các chương trình giới thiệu tác phẩm của anh, anh đã bình luận và hát một vài đoạn nhạc. Anh đã gặp lại Khánh Ly tại Paris sau 14 năm xa cách, tiếc thay, dường như không thể tổ chức được gì dù là có sự hiện diện của hai nhân vật này.

Việc xuất bản các tuyển tập nhạc sau một thời gian dài bị đình lại, đã được tiếp tục nhân dịp này. Các bản nhạc được lựa chọn từ 1972 đến 1988 được in ở Sài Gòn với số lượng giới hạn khoảng 100 bản.

Kể từ khi anh sinh ra, cả cuộc đời anh trôi theo hoàn cảnh chiến tranh. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, sau khi anh ra đời, kế đến là sự xâm lược của Nhật ở Việt Nam. Tiếp theo là sự trở lại của thực dân Pháp là chiến tranh Đông Dương lần 1 cho đến năm 1954. Hiệp định Genève, chiến tranh du kích diễn ra ở khắp miền Nam. Dưới thời Ngô Đình Diệm, đất nước luôn chìm đắm trong chiến tranh. Sau cùng Mỹ đến, cùng với chiến tranh Đông Dương lần 2. Tôi không biết người ta nói gì về sự xâm chiếm của Việt Nam đối với Campuchia và sự xâm chiếm của Trung Quốc đối với Việt Nam, nhưng trong mọi trường hợp, Trịnh Công Sơn chỉ biết Việt Nam đang có chiến tranh.

Khi anh viết bản Người con gái Việt Nam: “(…) Em chưa biết quê hương thanh bình, em chưa thấy xưa kia Việt Nam (…)”, đó không chỉ dành cho cô gái Việt Nam này mà còn cho chính tác giả và cả giới trẻ.

Chiến tranh không chỉ gắn với cuộc đời của anh mà còn là nguồn cảm hứng cho việc sáng tác của anh. Hẳn là, anh đã không hề bắt buộc ai đấu tranh chống chiến tranh. Anh sinh ra trong một gia đình khá giả, nhưng khi lý tưởng nhân đạo và nguồn cảm hứng nghệ thuật của anh gặp nhau, thì chỉ có thể là đấu tranh cho hoà bình. Cũng như, mỗi một cuộc chiến tranh thì đồng nghĩa với một sự mất mát lớn của cuộc sống nhân loại, anh đã sáng tác những bài hát cho… (thiếu trang 22, 23)



nguồn: Thư viện Trịnh Công Sơn - Thái Hoà
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho